Thực hiện theo chủ trương đã được UBND tỉnh phê duyệt về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2030, với mục tiêu góp phần xây dựng tỉnh trở thành địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả và bền vững, năm 2024, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau hữu cơ tại 2 điểm Nam Đàn và Quỳnh Lưu, diện tích 2000 m2 triển khai cả 2 vụ: Vụ Xuân và vụ Đông. Mô hình này tập trung vào việc không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, thay vào đó sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, tro trấu và thuốc trừ sâu thảo dược.
Theo ông Nguyễn Kim Nam, Chủ nhiệm HTX rau củ quả Nam Anh, Nam Đàn: Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất phi hữu cơ. Tuy năng suất của rau tham gia mô hình thấp hơn so với canh tác thông thường nhưng giá bán của rau hữu cơ cao hơn rất nhiều, chất lượng rau cũng cao hơn (rau giòn, đậm vị). Do đó lợi nhuận thu được của mô hình rau hữu cơ cao hơn, cụ thể trong vụ Xuân 2024, gia đình trồng 200 m2 rau muống hữu cơ, thu được 352 kg sản phẩm, sản phẩm được bán cho các cửa hàng rau sach, siêu thị nhỏ… với giá bán rau hữu cơ 18.000đ/kg, trong khi cùng diện tích sản xuất rau muống áp dụng quy trình sản xuất thông thường năng suất đạt 420 kg, giá bán là 8.000đ/kg. Với nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm sạch, rau hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng, nên mong muốn được hỗ trợ từ chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ”.

Bà Nguyễn Thị Tâm, ở xóm 3 xã Quỳnh bảng, Quỳnh Lưu - người tham gia mô hình vui mừng chia sẻ, vụ Đông 2024 gia đình bà được Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An hỗ trợ giống, phân bón và kĩ thuật để trồng 500 m2 (trong đó 200 m2 cà rốt và 300 m2 rau cải ngọt) theo phương pháp hữu cơ. Kết quả thu được 620 kg củ và 350 kg rau, với giá bán rau cà rốt hữu cơ hiện nay 30.000đ/kg, cải 20.000đ/kg, sau khi trừ đi chi phí bà thu lãi được gần 20 triệu đồng. Trong khi cùng diện tích đó năm 2023, khi canh tác thông thường gia đình thu được năng suất cao hơn đạt 1,8 tấn/sào nhưng giá bán cao nhất chỉ 13.000đ/kg nên lợi nhuận thu được đạt khoảng 15-17 triệu đồng.

Sản xuất rau hữu cơ làm cho người dân trồng rau đã từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của một bộ phận người dân, chuyển từ sản xuất có sử dụng phân, thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học có lợi cho môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm sạch an toàn giúp cải thiện sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững trong nông nghiệp. Tuy nhiên để phát triển bền vững cần nâng cao kiến thức sản xuất cho người dân, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Nguồn tin: Kim Tuyến - Phòng Kế hoạch Kỹ Thuật.