Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là trong 10 năm gần đây. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng và triển khai hiệu quả các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Xu hướng chuyển từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Nông nghiệp hữu cơ với việc không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất đã đảm bảo được sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp với sức khỏe con người. Không chỉ thế, nông nghiệp hữu cơ còn là phương thức sản xuất đảm bảo sự an toàn cho môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Để đáp ứng với nhu cầu và xu hướng hiện tại thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã triển khai canh tác nhiều mô hình hữu cơ, trong đó có cây lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và từng bước được nhân rộng. Vụ mùa 2024 Trung Tâm Giống cây trồng nghệ An xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ Khâu Cậy Nọi với diện tích 6ha tại hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ giống và phân bón hữu cơ (giống lúa Khâu cạy nọi do Trung tâm phục tráng, được Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Quốc Gia kiểm định đạt tiêu chuẩn).
Kết quả mô hình cho thấy năng suất của lúa Khâu cậy nọi sản xuất theo hướng hữu cơ đạt từ 38 - 40 tạ/ha (năng suất lúa Khâu cạy nọi sản xuất đại trà đạt từ 36 - 38 tạ/ha). Gạo Khâu cậy nọi sản xuất theo phương thức hữu cơ có vị đậm hơn, dẻo hơn, hạt gạo tròn mẩy hơn gạo sản xuất theo quy trình sử dụng phân hóa học.
Mô hình sản xuất theo phương thức hữu cơ bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, làm thay đổi phương thức, tập quán canh tác của một số bộ phận người dân chuyển từ phương thức canh tác sử dụng phân, thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học có lợi cho môi trường và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó sản xuất theo phương thức hữu cơ nhằm mục đích duy trì sức khỏe của đất, con người, hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: Thu Giang - Phòng Kế hoạch Kỹ thuật